Nhập cung Hán Lương_hoàng_hậu_(Hán_Thuận_Đế)

Năm Vĩnh Kiến thứ 3 (128), Lương Nạp cùng cô cô được chọn vào dịch đình, lúc này ông chỉ 13 tuổi. Sau đó Hán Thuận Đế thấy bà vừa ý, phong làm Quý nhân.

Lương Quý nhân rất được sủng ái, thường được triệu hạnh vào hầu Thuận Đế trong tẩm điện, thế nhưng bà lại hay nói với Thuận Đế rằng:"Đế vương đem hạnh phúc ấm no ban bố thiên hạ, ấy mới là đức. Hậu phi noi theo Chung tư, không đố kỵ ân sủng hoặc cầu mong chuyên phòng, ấy mới là nghĩa. Hậu tự đông đảo, ấy mới là phúc của hoàng thất. Hy vọng Bệ hạ mưa móc đều rơi, để chúng tần phi đều hưởng phúc phận, đó mới là điều đúng đắn của quân vương, mà thiếp thân cũng không bị tội chuyên sủng đố kỵ!". Bởi vậy Hán Thuận Đế đối với Lương Quý nhân rất kính trọng[5].

Năm Vĩnh Kiến thứ 6, tức Dương Gia nguyên niên (131), ngày 28 tháng 1, quan viên đại thần tấu xin lập Lương Quý nhân làm Hoàng hậu, vì thế Lương Nạp ở Thọ An điện (壽安殿) tiến hành đại lễ lập Hậu[6].

Không như các Hoàng hậu trước đó, Lương hoàng hậu không chủ trương xen vào việc triều chính của Hán Thuận Đế. Lương hậu trời thông minh hiền huệ, biết rõ mình được lập nhờ vào đức độ, nên không dùng sự hống hách đàn áp cung tần, ngược lại lại càng cẩn trọng tỉ mỉ. Mỗi khi có nhật thực hay nguyệt thực, bà đều thay áo, kiểm điểm tội lỗi, vì khi ấy những hiện tượng này bị xem là tai dị, không may mắn[7]. Việc này khiến Hán Thuận Đế càng tin tưởng bà và dòng họ bà, nên cha bà là Lương Thương nhanh chóng được thăng làm đại thần trong triều.

Thường Thị hầu Lương Thương là một vị quan thanh liêm, dưới quyền hạn của ông mọi việc kiện tụng, oan khuất đều được giãi bày, sau khi Lương hậu tiến cung đã được thăng đến chức Thị trung (侍中), kiêm Truân kỵ Giáo úy (屯骑校尉)[8]. Khi Lương hậu được lập Hậu, Lương Thương được ban Đặc tiến, sang năm bái Chấp kim ngô (执金吾). Năm Dương Gia thứ 2 (133), Thuận Đế muốn phong con trưởng của Lương Thương là Lương Ký - anh ruột của Lương hậu tước vị Tương Ấp hầu (襄邑侯), nhưng Lương Thương kiên quyết chối từ[9]. Năm sau (134), Thuận Đế mệnh Lương Thương nhận chức Đại tướng quân (大将军), Lương Thương cáo bệnh không vào triều[10].

Năm Dương Gia thứ 4 (135), Hán Thuận Đế phái sứ giả đến tận phủ nhà họ Lương, Lương Thương mới miễn cưỡng nhậm chức. Sang năm, Phu nhân Âm thị qua đời, triều đình tặng làm Khai Phong quân (開封君), ban cho ấn tín cùng dây triện[11]. Bản thân Lương Thương rất thận trọng, ông cho rằng vì có con gái làm Hoàng hậu, ông mới có thân phận ngoại thích được phong Đại tướng quân, nên hết sức khiêm nhường, cực lực tiến hiền tài phục vụ triều đình[12]. Tuy nhiên, ông cũng là người khá nhu nhược, để con trai Lương Ký phán đoán gần hết sự việc, Lương Ký vốn kiêu ngạo và tàn độc, lại thù hằn rất dai, do duyên cố của gia tộc mà dần lên đến chức Chấp kim ngô khi còn rất trẻ[13].

Năm Vĩnh Hòa thứ 6 (141), Lương Thương qua đời, Hán Thuận Đế cùng Lương hậu đích thân tới dự tang nghi, ban cho 18 kiện phẩm khác nhau cùng tiền hai trăm vạn, bố ba ngàn thất. Khi lễ đưa ma diễn ra, Lương hậu đích thân đi tiễn, quan viên trong triều thương tiếc rất đông đảo, ông được ban thụy là Trung (忠)[14][15]. Sau khi Lương Thương mất, con trai Lương Ký lên thay chức vụ Đại tướng quân của ông. Từ đây, quyền hành đều rơi trong tay Lương Ký, em trai Lương Bất Nghi được phong làm Hà Nam doãn[16].